PALANG XÍCH KÉO TAY

Ngày đăng: 13-09-2021 | ISO - Solutions

LUẬT LIÊN QUAN

- QCVN 7: 2012/BLĐTBXH, Quy chuẩn Quốc gia về an toàn lao động đối với thiết bị nâng;

- TCVN 4244:2005, Thiết bị nâng thiết kế, chế tạo và kiểm tra kỹ thuật;

- TCVN 5207:1990, Máy nâng hạ - Yêu cầu an toàn chung.

- QTKĐ 13:2016/BLĐTBXH

CẤU TẠO

Pa lăng xích kéo tay là thiết bị có sức nâng độc lập và dùng sức người làm nguồn lực để kéo vật lên cao, hạ vật xuống hoặc kéo vật theo phương nằm ngang. Chúng có trọng lượng khá nhẹ, tải trọng nâng từ 0.5 – 20 tấn, chiều dài dây xích đa dạng từ 3 – 30m. Và cấu tạo của loại thiết bị này gồm có 9 bộ phận chính đó là:

  • Xích tải                                                                                                    
  • Đĩa xích kéo.
  • Đĩa xích dẫn động.
  • Phanh tự động có bề mặt ma sát.
  • Móc treo pa lăng.
  • Bánh vít.
  • Trục vít.
  • Xích dẫn vô tận.
  • Móc treo vật.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong các bộ phận cấu tạo như đã nêu ra ở trên thì có bánh đĩa xích dẫn động là một bộ phận chủ chốt giúp việc kéo, nhấc vật nặng của người sử dụng trở nên nhẹ nhàng hơn.

Với cấu tạo hiện đại, thông minh như vậy nên pa lăng xích kéo tay hiện đang có tính ứng dụng rất cao, giúp tiết kiệm nhân công, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc và đảm bảo an toàn lao động. Vậy nên:

  • Chúng được sử dụng rất nhiều trong các lĩnh vực thi công cầu đường, trong các nhà xưởng, trong nông nghiệp, xây dựng, điện lực, khai thác mỏ, bốc dỡ hàng hóa tỏng các kho bãi, bến tàu, nhà ga.
  • Được sử dụng hỗ trợ trong công tác sửa chữa máy móc, thiết bị…
  • Sử dụng được ở những nơi có hoặc không có điện nên rất linh hoạt, rất tiện lợi.
  • Xích tải: là những sợi dây xích vô cùng chắc chắn được cấu thành từ những vòng mắt xích tiêu chuẩn có nhiệm vụ chịu lực trực tiếp để giữ vật và kéo vật đi. Vì thế tiêu chuẩn kỹ thuật đặc ra với bộ phận xích tải này là: xích phải có khả năng chịu lực phù hợp với mục đích sử dụng, với các lực sẽ tác dụng lên dây xích và nhớ loại bỏ mắt xích cũ ngay khi chúng bị mòn quá 10% để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.
  • Đĩa xích kéo: trong cấu tạo của pa lăng xích kéo tay này thì đĩa xích kéo chính là hộp đĩa gắn bánh răng để cuộn hoặc nhả dây xích trong quá trình sử dụng, giúp giữ chiều dài dây xích luôn ở vị trí mong muốn. Tiêu chuẩn an toàn của bộ phận cấu tạo này đó là: bánh răng phải đảm bảo chắc chắn, chiều dài và khoản cách răng khớp với các mắt xích.
  • Đĩa xích dẫn động: một bộ phận quan trọng trong cấu tạo pa lăng, chúng được chế tạo đặc biệt, như một hệ thống dòng rọc giúp nâng, hạ vật nặng một cách nhẹ nhàng hơn. Ví dụ như với một vật nặng 20 tấn chỉ cần có 2 người là có thể nâng vật lên đến độ cao mong muốn rồi.
  • Phanh tự động có bề mặt ma sát: đây là 2 bộ phận không thể tách rời nhau làm nên tổ hợp an toàn quan trọng trong cấu tạo sản phẩm: tác dụng của tổ hợp này đó là làm chậm hoặc làm dừng chuyển động của cơ cấu chuyển động trong thiết bị. Tiêu chuẩn chọn phanh là theo tiêu chuẩn của nhà nước.
  • Móc treo pa lăng và móc treo vật: là bộ phận chịu lực trực tiếp từ vật nặng dùng để liên kết giữa vật và dây xích. Tiêu chuẩn chọn móc treo là chắc chắn, không có vết nứt, khả năng chịu lực theo tiêu chuẩn sản phẩm.
  • Bánh vít, trục vít là 2 bộ phận cấu tạo nên hệ thống truyền động để truyền động quay giữa hai trục chéo nhau trong không gian với công dụng dừng, hãm vật ở độ cao mong muốn. Tiêu chuẩn kỹ thuật đối với 2 bộ phận này là: các bánh răng phải có sự ăn khớp với nhau, khi vận hành phải trôi chảy, mượt mà.
  • Xích dẫn vô tận: bộ phận này sẽ làm nhiệm vụ dẫn động quay đĩa xích và làm quay trục vít của pa lăng

HƯỚNG DẪN KIỂM TRA AN TOÀN PALANG XÍCH TRONG QUÁ TRÌNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG

Kiểm tra bên ngoài: Kiểm tra vị trí lắp đặt thiết bị, bảng hướng dẫn nội quy sử dụng, hàng rào bảo vệ, mặt bằng, khoảng cách và các biện pháp an toàn, các chướng ngại vật cần lưu ý trong suốt quá trình tiến hành kiểm định; sự phù hợp của các bộ phận, chi tiết và thông số kỹ thuật của thiết bị so với hồ sơ, lý lịch.

Xem xét lần lượt và toàn bộ các cơ cấu, bộ phận của pa lăng xích kéo tay, đặc biệt chú trọng đến tình trạng các bộ phận và chi tiết sau:

- Kết cấu kim loại của thiết bị, mối ghép bulông của kết cấu kim loại, vị trí treo pa lăng

- Móc và các chi tiết của ổ móc, kiểm tra theo Phụ lục 13A,13B,13C TCVN 4244: 2005 

- Xích tải, xích kéo và các bộ phận cố định đầu xích theo yêu cầu của Phụ lục 7 TCVN 4244: 2005

- Puly, trục và các chi tiết cố định trục puly  kiểm tra theo phụ lục 19A, 20A, 20B TCVN 4244: 2005

- Các phanh, cóc hãm phải kiểm tra theo quy định tại mục 1.5.3.3 TCVN 4244:2005

Ghi chú: Nếu bạn là người quản lý hãy tạo ra check list kiểm tra và tiêu chuẩn kiểm tra dựa vào tiêu chuẩn liên quan đến thiết bị này để mọi người khi làm việc phải tuân thủ

KIỂM ĐỊNH AN TOÀN

Tất cả các palang xích có tải trọng từ 1000kg trở lên phải tiến hành kiểm định an toàn 

Các hình thức kiểm định
- Kiểm định lần đầu

- Kiểm định định kỳ

- Kiểm định bất thường (sau khi sửa chữa lớn đến kết cầu, thành phần của palang)

Điều kiện để kiểm định

Khi tiến hành kiểm định phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

- Thiết bị phải ở trạng thái sẵn sàng đưa vào kiểm định.

- Hồ sơ, tài liệu của thiết bị phải đầy đủ.

- Các yếu tố môi trường, thời tiết đủ điều kiện không làm ảnh hưởng tới kết quả kiểm định.

- Các điều kiện về an toàn vệ sinh lao động phải đáp ứng để vận hành thiết bị.

Tiến hành kiểm định

Việc kiểm định được thực hiện theo quy trình kiểm định 13/ 2016 của bộ lao động thương binh xã hội (nội dung quy trình được up ở trên)

Xử lý kết quả

- Lập biên bản kiểm định với đầy đủ nội dung theo mẫu quy định tại mẫu 02 ban hành kèm theo quy trình này.

- Thông qua biên bản kiểm định

* Thành phần tham gia thông qua biên bản kiểm định bắt buộc tối thiểu phải có các thành viên sau:

- Đại diện cơ sở hoặc người được cơ sở ủy quyền;

- Người được cử tham gia và chứng kiến kiểm định;

- Kiểm định viên thực hiện việc kiểm định.

Khi biên bản được thông qua, kiểm định viên, người tham gia chứng kiến kiểm định, đại diện cơ sở hoặc người được cơ sở ủy quyền cùng ký và đóng dấu (nếu có) vào biên bản. Biên bản kiểm định được lập thành hai (02) bản, mỗi bên có trách nhiệm lưu giữ 01 bản.

- Ghi tóm tắt kết quả kiểm định vào lý lịch của pa lăng xích kéo tay (ghi rõ họ tên kiểm định viên, ngày tháng năm kiểm định).

- Dán tem kiểm định: Khi kết quả kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật an toàn, kiểm định viên dán tem kiểm định cho thiết bị. Tem kiểm định được dán ở vị trí dễ quan sát.

- Cấp giấy Chứng nhận kết quả kiểm định:

-  Khi thiết bị có kết quả kiểm định đạt yêu cầu, tổ chức kiểm định cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm định cho thiết bị trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thông qua biên bản kiểm định tại cơ sở.

- Khi thiết bị có kết quả kiểm định không đạt các yêu cầu thì chỉ thực hiện các bước nêu tại mục 9.1, 9.2 và chỉ cấp cho cơ sở biên bản kiểm định, trong đó phải ghi rõ lý do thiết bị không đạt yêu cầu kiểm định, kiến nghị cơ sở khắc phục và thời hạn thực hiện các kiến nghị đó; đồng thời gửi biên bản kiểm định và thông báo về cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương nơi lắp đặt, sử dụng thiết bị.

Thời hạn kiểm định

-  Với các palăng xích kéo tay lắp đặt cố định tại nơi có mái che: thời hạn kiểm định định kỳ 3 năm.

Thời hạn kiểm định định kỳ 1 năm đối với các palăng xích kéo tay sau: lắp đặt cố định ngoài trời; thiết bị được sử dụng lưu động; thiết bị sử dụng trên 12 năm.

-  Trường hợp nhà chế tạo quy định hoặc cơ sở yêu cầu thời hạn kiểm định ngắn hơn thì thực hiện theo quy định của nhà chế tạo hoặc yêu cầu của cơ sở.

-  Khi rút ngắn thời hạn kiểm định, kiểm định viên phải nêu rõ lý do trong biên bản kiểm định.

- Khi thời hạn kiểm định được quy định trong các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia thì thực hiện theo quy định của Quy chuẩn đó.

 

                                                                                         ---Hết----